Bí quyết để không bị lạc khi đặt chân đến New Zealand

Bạn có muốn mình bị lạc ngay khi vừa đặt chân tới New Zealand? Bạn có muốn mình bị trễ tiết học đầu tiên chỉ vì không biết đi xe bus? Bạn có muốn mất thời gian một cách oan uổng vì phải loay hoay thanh toán khi sử dụng các phương tiện công cộng? Nếu câu trả lời của bạn là “không” thì hãy cập nhật những thông tin hướng dẫn đi lại ở New Zealand nhé.

Hệ thống xe bus

Trong số các phương tiện giao thông công cộng bạn có thể sử dụng tại New Zealand, xe bus là phổ biến nhất. Việc dân số thấp và sống tập trung ở các thành phố lớn khiến cho hệ thống xe bus trong nội thành cũng như giữa các thành phố được đầu tư phát triển, do đó bạn có thể hoàn toàn yên tâm bước lên xe bus và tận hưởng khung cảnh của thành phố trong lúc chờ đến địa điểm mình mong muốn.

Để sử dụng xe bus một cách thuận tiện nhất, bạn cần có thẻ thông hành. Nếu bạn đến thăm thành phố trong thời gian ngắn (từ một đến hai ngày), hãy tậu cho mình một chiếc thẻ đi trong một ngày. Tấm thẻ này giúp bạn sử dụng các phương tiện công cộng trong thành phố đó với chi phí được tiết kiệm so với việc bạn mua lẻ từng vé cho mỗi lần sử dụng.
 
Nếu bạn có ý định ở lại lâu, dưới đây là chi tiết các lựa chọn thẻ đi lại tại một số thành phố ở New Zealand.

Vùng Wellington

Vùng Wellington (bao gồm Wellington - thủ đô của xứ đảo kiwi và các khu vực lân cận) sở hữu một hệ thống xe bus rộng lớn và phát triển được gọi là Metlink với hơn 100 tuyến xe và 2800 trạm dừng. Ở đây, ngoài các lựa chọn thanh toán thông thường, bạn có thể sử dụng các thẻ tích luỹ như Snapper Card, Mana/Newlands Smartcard hoặc Madge/Uzabus Smartcard. Các thẻ này giúp bạn tiết kiệm khoảng 20% chi phí, tuy nhiên mỗi thẻ chỉ có thể áp dụng cho một số hãng xe nhất định. Tham khảo cách sử dụng cũng như bản đồ hệ thống xe bus tại website của Metlink.

Auckland

Auckland có mạng lưới xe buýt, tàu hỏa và phà hiệu quả với chi phí phải chăng giúp bạn có thể thoải mái đi đến khắp nơi trong thành phố cũng như vùng ngoại ô. Điều hành và quản lý hệ thống xe bus ở đây là Auckland Transport (AT). Đây cũng là nơi cung cấp thẻ trả trước AT HOP Card giúp bạn giảm được 20% chi phí đi lại. Với các sinh viên theo học toàn thời gian tại đây, họ còn có một lựa chọn là AT Tertiary ID Stickers giúp giảm 40% chi phí đi lại của mình. Bạn có thể tìm hiểu thêm các chương trình ưu đãi này cũng như các thông tin liên quan khác tại website của AT.

Christchurch

Tất cả xe buýt địa phương tại Christchurch hoạt động theo hệ thống Bus Exchange. Bạn có thể mua vé tuần hoặc vé ngày, những loại vé này sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền so với giá vé đơn lẻ. Ngoài ra, tại Christchurch cũng có xe buýt con thoi miễn phí từ trung tâm thành phố với màu vàng sáng và đi lại giữa một số địa điểm chính trong thành phố cách nhau từ 10 đến 15 phút. Để biết thêm chi tiết về phương tiện giao thông tại Christchurch và các loại vé, bạn cũng có thể vào Metroinfo. 

Dunedin

Hệ thống giao thông công cộng tại Dunedin chủ yếu là xe bus, được điều hành bởi Go Bus Transport và Ritchies Transport. Hệ thống xe bus ở đây có 18 tuyến vào các ngày thường và 12 tuyến vào cuối tuần. Các phương thức thanh toán bao gồm tiền mặt và thẻ điện tử GoCard (giảm 25% chi phí đối với sinh viên). Các thông tin về bản đồ, thời gian biểu cũng như phí thanh toán được ghi cụ thể tại website của Otago Regional Council.

Các phương tiện giao thông khác

Bạn có thể dễ dàng sử dụng các hãng hàng không nội địa như Jet Star, Pacific Blue và Air Zealand cũng như các dịch vụ tàu hỏa và tàu thuỷ để đi đến các khu vực khác nhau ở New Zealand cho kì nghỉ cuối tuần hoặc hành trình trải nghiệm của bạn. Một điểm cộng trong việc đi lại ở New Zealand là khoảng cách tương đối gần giữa các địa điểm, ví dụ như một chuyến bay từ Wellington đến Auckland chỉ mất 1 tiếng đồng hồ. Điều này giúp bạn có thêm thời gian nghỉ ngơi và trải nghiệm trong kì nghỉ của mình. Nếu bạn muốn tận hưởng không khí trong lành tại vùng biển giữa đảo Bắc và đảo Nam, bạn có thể lựa chọn các chuyến phà liên đảo Interislander và Bluebridge đưa hành khách đi từ Wellington và Picton trong khoảng 3 tiếng.

Một lưu ý dành cho bạn: trước khi xách ba lô lên, bạn có thể tiết kiệm bằng cách tìm hiểu trước ở đại lý du lịch khi đặt vé. STA Travel chuyên cung cấp các chuyến bay và các kỳ nghỉ giá rẻ cho sinh viên. Bạn cũng có thể cân nhắc mua thẻ ISIC cho phép bạn tiết kiệm khi sử dụng một số đại lý du lịch và các cửa hàng khác trên lãnh thổ New Zealand.

Sau đây là một số website hữu ích về việc thu xếp chỗ ở và du lịch ở New Zealand bạn có thể tham khảo:

Wotif – chỗ trú đêm

BBH World Travellers – chỗ ở giá rẻ và dành cho khách du lịch tự do.

Flight centre

STA travel

ISIC Associations – Liên đoàn Du lịch Sinh viên Quốc tế

Các website sau cũng sẽ hữu ích nếu bạn muốn tìm thông tin, đặt vé chuyến bay hoặc phà ở New Zealand:

Jetstar NZ

Virgin Australia

Air New Zealand

Interislander

Bluebridge
 
Lời kết

Dù bạn có sử dụng dịch vụ gì đi nữa, điều quan trọng nhất là bạn cần phải tìm hiểu thật kỹ địa điểm mình sắp đến, hỏi thăm bạn bè về những điều đặc biệt cần lưu ý và chuẩn bị thật tốt nếu bạn muốn có những khoảng thời gian đáng nhớ tại New Zealand. Lấy ví dụ, ở các vùng ngoại ô, dân cư rất thưa thớt nên bạn không nên đi lại một mình vào buổi đêm. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý tình hình động đất ở New Zealand và có những biện pháp chuẩn bị cần thiết.

Theo Thái Hiệp

Nguồn: hotcourse

Để tìm hiểu rõ hơn về thông tin du học, du lịch xin vui lòng liên hệ để được tư vấn miễn phí:
CÔNG TY TƯ VẤN DU HỌC, DU LỊCH HOÀN MỸ
36 Lam Sơn, Phường 2, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
Tel: (08) 62.93.98.96
Email: info@duhochoanmy.vn 
Website: duhochoanmy.vn
Fanpage: facebook.com/DuHocHoanMy

:
Tin liên quan
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

 Back on top